Cách thức lập vi bằng thỏa thuận về tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng

Cách thức lập vi bằng thỏa thuận về tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng

Căn cứ vào Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thì trình tự, thủ tục lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận về tài sản của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân, gia đình sẽ được thực hiện thông qua các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu lập vi bằng

Trước khi đến các văn phòng Thừa phát lại để thực hiện lập vi bằng các bạn nên chuẩn bị sẵn một số tài liệu như:

Giấy tờ pháp lý cá nhân: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân,…..

Tài liệu khác liên quan đến vụ việc: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản, ….

Bước 2: Tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng

Khi đến văn phòng Thừa phát lại bạn sẽ trình bày nội dung các yêu cầu của mình khi muốn lập vi bằng ghi nhận các thỏa thuận trong quan hệ hôn nhân, gia đình. Dựa trên các yêu cầu đó thì thư ký nghiệp vụ hoặc Thừa phát lại sẽ tư vấn các vấn đề liên quan đến vụ việc và nếu yêu cầu của bạn là hợp pháp thì bạn sẽ được điền vào phiếu yêu cầu lập vi bằng. Yêu cầu lập vi bằng của khách hàng sẽ được coi là một trong các căn cứ để Thừa phát lại ghi nhận các nội dung vụ việc.

Bước 3: Thỏa thuận về dịch vụ lập vi bằng

Trước khi thực hiện lập vi bằng để tránh được các tranh chấp trong và sau quá trình lập vi bằng thì văn phòng Thừa phát lại và khách hàng cần thống nhất một số nội dung như: Nội dung sự việc cần lập vi bằng; Thời gian, địa điểm lập vi bằng; Chi phí thực hiện; Thời gian giao, nhận vi bằng; Thỏa thuận khác nếu có giữa các bên như quyền và nghĩa vụ hoặc thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng.

Bước 4: Tiến hành lập vi bằng

Tại thời điểm mà các bên đã thống nhất trong thỏa thuận lập vi bằng, Thừa phát lại sẽ trực tiếp đến địa chỉ trong thỏa thuận và tiến hành chứng kiến và ghi nhận vụ việc, sự thỏa thuận của vợ chồng và đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để củng cố tính chính xác, xác thực của vi bằng.

Sau khi hoàn tất trình tự trên thì để vi bằng có giá trị pháp lý thì Văn phòng Thừa phát lại gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu chính 01 bộ vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) về Sở Tư pháp nơi Văn phòng đặt trụ sở hoặc cập nhật vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) vào cơ sở dữ liệu về vi bằng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng hoặc kể từ ngày Văn phòng Thừa phát lại cập nhật vào cơ sở dữ liệu về vi bằng, Sở Tư pháp ghi vào sổ đăng ký vi bằng hoặc duyệt nội dung cập nhật trên cơ sở dữ liệu về vi bằng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP để theo dõi, quản lý việc lập vi bằng.

 

TIN TỨC LIÊN QUAN